48 giờ ở Cát Bà (09/05/2024)

Cát Bà không chỉ là điểm đến mùa hè mà mùa thu hay đầu đông cũng là thời điểm thích hợp để tận hưởng không khí trong lành, vắng vẻ.

Lịch trình được thực hiện theo trải nghiệm của phóng viên VnExpress và tư vấn của anh Sơn Nguyễn, cán bộ Vườn quốc gia Cát Bà. Hành trình thích hợp với du khách di chuyển từ trung tâm Hà Nội hoặc Hải Phòng, muốn thay đổi không khí cuối tuần và là người ưa vận động.

Ngày 1

Du khách di chuyển từ Hà Nội tới bến phà Gót, thời gian gần 2 tiếng. Nếu di chuyển từ trung tâm Hải Phòng, thời gian khoảng 30 phút. Bữa sáng du khách thưởng thức tại trung tâm Hải Phòng hoặc ở các điểm dừng nghỉ trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, với món đặc trưng là bánh đa cua.

Mùa này vắng vẻ, không còn nhiều khách du lịch nên việc qua phà khá nhanh. Sau khi mua vé, du khách có thể qua phà luôn, hoặc nếu phải đợi thì chỉ khoảng 30 phút. Sau mùa cao điểm hè, phà Gót (phía Cát Hải) hiện chạy chuyến đầu tiên mỗi ngày từ 5h30 và chuyến cuối lúc 18h30. Lịch từ bến Cái Viềng (phía Cát Bà) từ 5h đến 18h. Mỗi 30 phút sẽ có một chuyến.

Từ bến phà vào trung tâm đảo, du khách sẽ đi qua một trong những cung đường đảo đẹp nhất Việt Nam.

Một phần của tuyến đường ven biển trên đảo Cát Bà. Ảnh: Giang Chinh

Một phần của tuyến đường ven biển trên đảo Cát Bà. Ảnh: Giang Chinh

Buổi sáng

Trekking Vườn Quốc gia Cát Bà trong tiết trời mát mẻ hiện nay là một trải nghiệm phù hợp. Vé vào cổng vườn là 80.000 đồng một người. Nếu thuê tour trọn gói, sẽ không phải trả phí này. Du khách có thể bắt đầu từ 8h30 hoặc 9h. Những người thường xuyên tập thể dục, đi bộ hay chạy bộ nên chọn cung dài.

“Du khách có thể trekking 6 km hoặc 10 km tùy theo nhu cầu và sức khỏe. Có thể chọn đi cung ngắn nhất chỉ khoảng 2 km tới đỉnh Ngự Lâm và quay lại cổng vườn, tham quan động Trung Trang, thời gian khoảng 2 tiếng. Nhưng sẽ đáng tiếc nếu không đi cung 10 km để có thêm nhiều trải nghiệm và tận hưởng nhiều cảnh đẹp”, anh Sơn cho hay.

Nếu di chuyển 10 km, du khách sẽ đi qua đủ địa hình, trải qua nhiều cảnh đẹp, tìm hiểu hệ sinh thái rừng và các kiểu rừng khác nhau như nguyên sinh, rừng ẩm nhiệt đới, rừng ngập mặn, tìm hiểu nhiều loại cây quý. Các địa danh đi qua có đỉnh Mây Bầu, ao Ếch. Điểm cuối của hành trình là làng Việt Hải.

“Địa hình toàn tuyến khá đa dạng, nhiều đoạn đường bằng xuyên rừng, có leo dốc, chủ yếu là các vách đá có độ cao trung bình, chỉ có một số ít đoạn ngắn cao gắt”, anh Sơn cho biết thêm và lưu ý nên chọn giầy phù hợp có chức năng chống trơn trượt và mang theo các đồ ăn nhẹ.

 

Thời gian cho toàn chuyến trekking 10 km khoảng 4 tiếng, không đi quá nhanh, nghỉ ngơi khi mệt mỏi.

Ao Ếch. Ảnh: Tâm Anh
Đoạn đường bằng phẳng giữa rừng trên đường trekking. Ảnh: Tâm Anh
Một điểm trên đường trekking. Ảnh: Tâm Anh

Buổi chiều

Đầu giờ chiều, du khách trở về làng Việt Hải. Đây là một làng chài nhỏ nằm sâu trong vườn quốc gia Cát Bà. Nơi đây chỉ có khoảng 400 người dân sinh sống, nhưng có đủ dịch vụ như lưu trú, ăn uống, massage chân với cá để thư giãn sau khi trekking.

Bữa trưa muộn chủ yếu là đồ ăn của người dân địa phương tự nuôi trồng. Các món du khách có thể đặt trước gồm: đồ hải sản, rau trong vườn được chế biến đơn giản nhưng ngon miệng, đủ chất.

Sau khi nghỉ ngơi với dịch vụ massage cá, 50.000 đồng một người một lượt, đạp xe quanh làng là điều không thể bỏ lỡ hoặc đi bộ lang thang ngắm hoàng hôn.

“Nếu thuê phòng nghỉ tại làng qua đêm du khách sẽ được miễn phí xe đạp, có thể sử dụng bất kỳ lúc nào còn nếu chỉ ghé qua làng trong ngày, giá thuê là 50.000 đồng”, anh Sơn nói.

Đồ nướng tươi ngon tại làng chài. Ảnh: Tâm Anh

Đồ nướng tươi ngon tại làng chài. Ảnh: Tâm Anh

Buổi tối

Bữa tối với thịt nướng và rượu vang trong không khí mát mẻ se lạnh. Một số nhà trong làng nhận đặt các bữa tiệc BBQ. Nơi đây thường xuyên đón du khách nước ngoài nên họ đã quen với phong cách phục vụ và chế biến món ăn khá đa dạng, trong đó có đồ Tây.

Nghỉ ngơi và qua đêm tại làng Việt Hải. Bungalow Long Phương là một trong những khu nhà cho thuê có nhiều phòng nhất, phòng riêng 2-4 người tùy lựa chọn, giá dao động mỗi phòng từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng. Ngoài ra tại làng còn có nhiều homestay, với chi phí rẻ hơn, chỉ khoảng 200.000 đến 300.000 đồng.

Ngày 2

Buổi sáng

Buổi sáng thức dậy trong không khí trong lành tại làng Việt Hải. Bữa sáng bình dân được phục vụ tại làng với các món phổ biến như mì tôm hoặc bún ăn kèm hải sản tươi. Mỗi suất dao động 20.000 đến 25.000 đồng.

Di chuyển tới bến tàu để đi thăm vịnh Lan Hạ. Thuyền đưa mọi người đi trên vịnh, qua những điểm nổi tiếng như làng nổi Cái Bèo, hòn Rùa, hòn Mộ và dừng lại ở bãi Tay Kéo trong khoảng 1-2 tiếng, nơi có không gian tĩnh lặng. Vào mùa hè, du khách đi thăm vịnh có thể kết hợp bơi lội nhưng vào mùa thu đông, du khách nên chọn chèo thuyền kayak.

Một trong những hòn đảo nhỏ trên vịnh Lan Hạ. Ảnh: Tâm Anh
Đường bộ từ làng Việt Hải ra bến tàu. Ảnh: Tâm Anh
Trên vịnh Lan Hạ. Ảnh: Tâm Anh

Buổi trưa và chiều

Hiện các nhà bè phục vụ ăn uống trên vịnh Lan Hạ đã không còn được phép hoạt động. Vì vậy, sau trải nghiệm du ngoại trên vịnh, du khách cập cảng bến Bến Bèo lúc khoảng 12h và ăn trưa trên đảo. Một số nhà hàng tham khảo: Hải Yến, Lẩu nướng Huyền Béo, Viễn Dương, Làng Chài. Các món ăn ở đây đa dạng, ngoài hải sản còn có bò, lợn, các loại lẩu.

Trước khi rời đảo, du khách nên làm một chuyến đi tham quan đảo Cát Bà trên con đường xuyên đảo bằng ôtô để thấy hòn đảo này đẹp và bình yên thế nào.

Đến bến phà Cái Viêng khoảng 15-16h để quay lại đất liền. “Lưu ý đừng đến phà muộn, sát chuyến cuối đề phòng những rủi ro ảnh hưởng đến lịch trình của du khách”, anh Sơn lưu ý.

Bến phà Cái Viềng.

Cảng Bến Bèo. Ảnh: Tâm Anh

Một số lựa chọn thay thế: Lịch trình như trên thích hợp với những người từng đi Cát Bà, không còn xa lạ gì với hòn đảo này vì cả chuyến đoàn không vào thị trấn và các điểm tham quan trên đảo chính. Nếu muốn nghỉ dưỡng, nên chọn ở thị trấn, với một số resort như Perle dOrient Cát Bà-MGallery hay Flamingo Cát Bà, ở khu vực bãi Cát Cò, tắm khoáng nóng. Du khách cũng có thể chọn ngủ đêm trên du thuyền ở vịnh Lan Hạ.

HOTLINE
TƯ VẤN ĐẶT PHÒNG
0356 939 689